Điện gió ngoài khơi hiện đang là xu hướng phát triển năng lượng sau cuộc đua điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc khiến hành trình này không hề dễ dàng.

1. Tạm dừng cấp phép khảo sát

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tạm dừng thẩm định, chấp thuận khảo sát điện gió ngoài khơi.

Theo công bố, đến ngày 31/8/2022, cơ quan này nhận được 55 đề xuất, trong đó, có 1 đề xuất được chấp thuận. Tuy nhiên, còn có những vướng mắc cả về pháp lý và kỹ thuật cần được tháo gỡ, cụ thể như sau:

1.1 Vướng mắc về pháp lý

Còn có cách hiểu khác nhau về việc cho phép (hoặc không cho phép) tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hoạt động đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển.

Chưa quy định cụ thể về hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển.

Chưa quy định “được phép” hay “không được phép” cùng thực hiện khảo sát trong trường hợp có nhiều đề xuất trong cùng một khu vực biển hoặc đề xuất có sự chồng lấn, giao thoa.

Chưa quy định cụ thể thời gian xem xét, thẩm định, chấp thuận hoạt động đo gió, quan trắc, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập dự án điện gió là bao nhiêu ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.

Chưa quy định thời hạn chấp thuận thực hiện hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển.

Chưa quy định về nội dung báo cáo, thời điểm gửi báo cáo kết quả đến cơ quan đã chấp thuận hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển.

1.2 Vướng mắc về kỹ thuật

Chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiêu ha trên 1 MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển (mỗi vùng biển sẽ có quy định khác nhau khi tốc độ gió, mật độ gió, công suất tua bin, điều kiện địa chất, địa hình biển khác nhau).

Chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho 1 dự án là bao nhiêu, chẳng hạn 0,5 GW, 1 GW hay 2 GW,… để vừa đảm bảo khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa đảm bảo cân đối hệ thống truyền tải điện.

Chưa có quy định công suất dự kiến để khảo sát là bao nhiêu GW trong từng thời kỳ quy hoạch cho phù hợp với tổng công suất điện gió ngoài khơi lũy kế đến năm 2030 được xác định khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt.

Chưa có tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng khảo sát điện gió ngoài khơi.

Chưa có quy hoạch các vùng biển có tiềm năng và khả năng phát triển điện gió.

Phát triển điện gió ngoài khơi còn tồn tại nhiều vướng mắc.

Phát triển điện gió ngoài khơi còn tồn tại nhiều vướng mắc.

2. Hành trình gian nan

Dù Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về phát triển điện gió ngoài khơi nhờ bờ biển dài hơn 3.000 km và việc gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) được đưa vào chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, nhưng việc phát triển điện gió ngoài khơi đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Trong một cuộc hội thảo về điện gió ngoài khơi, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cũng chỉ ra sự quan trọng của quy hoạch không gian biển. Bởi việc phát triển điện gió ngoài khơi còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản, đặc biệt là an ninh quốc phòng…

Ngoài những lý do vướng mắc pháp lý và kỹ thuật nêu trên, vướng mắc lớn nhất là hiện chưa có cơ chế giá bán điện gió mới (cơ chế giá FIT cũ hết hiệu lực). Trong khi đây là yếu tố đảm bảo cho thành công của một dự án cần vốn lớn, để nhà đầu tư cũng như tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính yên tâm bỏ vốn.

Cho đến khi cơ chế giá chưa được ban hành, các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là “rất khó” trong việc huy động vốn từ nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài.

Bên cạnh đó, các dự án điện gió ngoài khơi thường phát triển với quy mô và công suất lớn hơn các dự án năng lượng tái tạo khác (tương đương với các nhà máy nhiệt điện). Do đó, các nhà nghiên cứu tính toán, để phát triển điện gió ngoài khơi, cần sự chuẩn bị tốt về đấu nối vào bờ và có hệ thống truyền tải điện quốc gia ở cấp điện áp 220 kV hoặc 500 kV. Với điều kiện hạ tầng trong nước hiện tại, điều này không hề dễ dàng.

[ Nguồn: Sưu tầm ]