Việc giao thí điểm cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số doanh nghiệp trong nước làm dự án điện gió ngoài khơi được đánh giá là có khó khăn.

Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 lần thứ 2, sau khi phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính khả thi vào hồi tháng 9-2023.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, nghiên cứu việc thí điểm giao EVN và một số doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện làm dự án điện gió ngoài khơi.

Có vướng mắc pháp lý khi phát triển điện gió ngoài khơi

Mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030 đạt công suất 6GW, nhưng Bộ Công Thương cho rằng có hàng loạt khó khăn nếu giao thí điểm cho EVN và các doanh nghiệp.

Trước hết là hành lang pháp lý cho phát triển loại nguồn điện này chưa rõ ràng. Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển.

Pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi. Do đó chưa có cơ sở pháp lý để giao EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án.

Vì vậy trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi, bộ đã đề nghị trong Luật Đầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi.

Trước mắt Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng giao EVN và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, khảo sát các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi đủ cơ sở pháp lý để cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư.

Về nguồn điện mặt trời tập trung, dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 cũng chưa xác định được danh mục dự án, do chưa đủ cơ sở để xem xét tiến độ cụ thể các dự án này.

Đến nay, bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát dự án điện (gồm dự án điện mặt trời tập trung) theo 9 tiêu chí. Tuy nhiên, đến ngày 12-10 mới có 9/11 địa phương có dự án điện mặt trời tập trung đã giao chủ đầu tư có phản hồi với các thông tin chưa đầy đủ.

TrungNamSMC thi công điện gió trên biển

Sà Lan & Cẩu bánh xích TrungNamSMC thi công điện gió trên biển

Bổ sung dự án điện mặt trời là không có căn cứ

Thêm nữa, kết luận của Thanh tra Chính phủ về chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh cũng đề cập việc bổ sung các dự án điện mặt trời là không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh có dự án tiếp tục rà soát, báo cáo Thủ tướng.

Đối với các nguồn điện khác, Bộ Công Thương cũng có báo cáo cụ thể. Theo đó, tổng công suất điện LNG sẽ phát triển đến năm 2030 là 22.400MW, với các dự án tập trung tại Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An và Bạc Liêu.

Phần lớn các dự án đều đang trong quá trình chọn nhà đầu tư, hoặc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nên thời gian dự kiến đưa vào vận hành 2027-2030. Riêng dự án LNG Nhơn Trạch 3 và 4 hiện đang thi công, có thời gian dự kiến vận hành 2024-2025.

Điện than có tổng công suất 30.127MW đến năm 2030, gồm các dự án như Na Dương II, An Khánh (Bắc Giang), Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Long Phú 1… Tuy vậy có 5 dự án chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thành phần cổ đông, thu xếp vốn.

Bộ Công Thương cho biết đã làm việc với các nhà đầu tư, cho phép các dự án này kéo dài tới tháng 6-2024. Sau thời gian này không triển khai được thì phải chấm dứt theo quy định pháp luật.

Công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930MW; nguồn thủy điện tích năng là 2.400MW và các nguồn điện đồng phát, sử dụng nhiệt dư, khí lò cao… khoảng 2.700MW. Pin lưu trữ cũng sẽ được phát triển tới năm 2030, với công suất dự kiến 300MW.

Nguồn: (tuoitre)