Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu Tập đoàn khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư điện gió, điện Mặt Trời chuyển tiếp để thống nhất giá điện trước ngày 31/3 nhằm sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Bên cạnh đó là văn bản này còn đề nghị EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Hiện nay, 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp gồm 28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Bộ nói EVN chủ động đàm phán giá

Trước kiến nghị của EVN về việc chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương về phương pháp đàm phán, Bộ Công Thương khẳng định ngày 2/3/2023, Bộ đã có văn bản hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện Mặt Trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.

Trên cơ sở các hướng dẫn đã có, Bộ Công Thương đề nghị EVN khẩn trương phối hợp chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận. Đảm bảo việc thống nhất giá điện trước ngày 31-3 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí. Với các chỉ đạo này, EVN sẽ phải chủ động trong việc đàm phán giá với các chủ đầu tư điện gió, điện tái tạo chuyển tiếp.

Còn nhiều vướng mắc để các bên đạt được thỏa thuận?

EVN cho hay đã xây dựng dự thảo phương pháp tính giá phát điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp và đề xuất Bộ Công Thương xem xét thông qua. Phương pháp tính toán này được xác định trên cơ sở chiết khấu dòng tiền, đảm bảo chủ đầu tư trả các khoản chi phí hợp lý; tỉ suất sinh lời nội tại (IRR) không quá 12% và mức giá nằm trong khung giá đã ban hành.

Tuy nhiên, dù EVN và Bộ Công Thương có quan điểm khác nhau về phương pháp tính giá điện, các chủ đầu tư dự án điện tái tạo tỏ ra không đồng thuận với khung giá đã ban hành cũng như đề xuất phương pháp đàm phán giá.

Theo các chủ đầu tư, khung giá được tính toán chưa sát thực tiễn với chi phí đầu tư mà các doanh nghiệp bỏ ra. Mức giá này khiến doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí, có thể phá vỡ phương án tài chính và đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo thống kê của EVN, hiện có 84 dự án điện tái tạo chuyển tiếp với công suất hơn 4.600 MW nếu đạt được thỏa thuận thành công sẽ được đưa vào vận hành hệ thống. Tuy nhiên, với những vướng mắc hiện nay, việc đưa nguồn này vào vận hành có thể còn nhiều gian nan.

Thực tế đến nay, dù các bên cho biết đều đã chủ động và tích cực tháo gỡ vấn đề này, nhưng hầu như các nhà đầu tư đều không mặn mà nộp hồ sơ đăng ký đàm phán giá với EVN. Hiện chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký nộp hồ sơ.

[ Nguồn: Báo Tuổi trẻ ]